thu cam on khach hang |
Những chủ doanh nghiệp nhỏ hoặc những người làm kinh doanh luôn quan tâm đến những phương pháp vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn xây dựng được lòng trung thành của khách hàng. Một trong những phương pháp quan trọng giúp bạn có được những lần giao dịch tiếp theo từ một khách hàng đó là luôn theo sát khách hàng ngay sau khi họ đã mua sắm sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ bạn cung cấp. Tại thời điểm lý tưởng đó bạn nên triển khai các công tác hậu mãi để phát huy kết quả đạt được. Công việc hậu mãi nên bắt đầu tiến hành ngay lập tức sau khi khách hàng kết thúc giao dịch hoặc muộn nhất là 3 ngày kể từ ngày khách hàng mua sắm sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ bạn cung cấp. Bạn gọi điện cho khách hàng để nói lời cảm ơn vì đã sử dụng sản phẩm dịch vụ của bạn và tìm hiểu xem liệu khách hàng có hài lòng với sản phẩm dịch vụ hay không. Không dừng lại ở đó, còn có một cách thức theo sát hiệu quả khác giúp bạn đảm bảo rằng sản phẩm / dịch vụ bạn đang cung cấp luôn ở trong tâm trí khách hàng: Gửi thư cảm ơn khách hàng
Việc gửi thư cảm ơn khách hàng này không mất nhiều thời gian, không phải động não hay hao tốn nơ-ron thần kinh, nhưng bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng nhiều ông chủ doanh nghiệp hoặc những người làm kinh doanh khác không nghĩ đến việc viết thư cảm ơn khách hàng, đặc biệt khi họ đang bận bịu và có những mối quan tâm khác. Bạn hãy dành ra một chút thời gian để viết thư cảm ơn khách hàng nhằm bày tỏ lòng cám ơn của mình về việc khách hàng đã quan tâm đến sản phẩm / dịch vụ của mình. Không chỉ vậy bạn còn mời khách hàng tiếp tục phát triển mối quan hệ, giới thiệu sản phẩm / dịch vụ có liên quan, nhờ khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới … Một bức thư với lời lẽ nhã nhặn, chân thành, biểu lộ thiện chí của bạn được gửi kèm với quà tặng sẽ là sợi dây vô hình giữ chân khách hàng ở lại với công ty bạn, làm khách hàng luôn nhớ đến sự quan tâm, chu đáo của bạn và sản phẩm / dịch vụ bạn đang cung cấp. Nếu bạn thực hiện được điều này, trong khi các đối thủ cạnh tranh không làm điều đó, bạn đã đảm bảo rằng sản phẩm / dịch vụ bạn cung cấp luôn ở trong tâm trí khách hàng
Vậy làm thế nào để bạn có được bức thư cảm ơn khách hàng kỳ diệu đó? Có mấy điều bạn nên lưu ý mỗi khi viết thư cảm ơn cho khách hàng của mình.
T1: Ở phần mở đầu của bức thư cảm ơn khách hàng, bạn nên dùng những lời lẽ nhã nhặn, chân thành cám ơn khách hàng đã sử dụng sản phẩm / dịch vụ của bạn. Điều này sẽ làm cho khách hàng hiểu được lý do tại sao bạn gửi thư cho họ, đồng thời giúp họ dễ dàng tiếp nhận bức thư của bạn. Một đoạn tóm tắt sơ lược trước khi vào đề sẽ thu hút sự chú ý của khách hàng ngay từ những dòng đầu tiên. Phần mở đầu này bạn nên nhắc lại cho khách hàng nhớ khách hàng đã sử dụng sản phẩm / dịch vụ bạn cung cấp vào thời điểm nào ( Ngày, tháng, năm … ) và loại sản phẩm / dịch vụ khách hàng đã sử dụng. Trong phần này, bạn hỏi khách hàng xem khách hàng có cảm thấy hài lòng với sản phẩm dịch vụ hay không, bạn cung cấp đường dây nóng để nếu khách hàng có những thắc mắc hoặc muốn tìm hiểu thêm thông tin về sản phẩm / dịch vụ hoặc khách hàng phàn nàn nếu không cảm thấy hài lòng … thì có thể liên hệ đường dây nóng để được giải đáp 1 cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
T2: Ở phần này, bạn tranh thủ giới thiệu thêm các sản phẩm / dịch vụ khác có liên quan mà bạn nghĩ rằng khách hàng sẽ cảm thấy thích thú, thú vị. Kêu gọi khách hàng cung cấp thêm thông tin bằng cách điền vào bản thông tin khách hàng hoặc phiếu thăm dò ý kiến để bạn có thể rút kinh nghiệm, sửa chữa những sai lầm gặp phải nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn những lần sau. Để khách hàng cung cấp thêm thông tin cá nhân cho bạn, bạn phải hết sức dùng lời lẽ thân thiện và làm khách hàng cảm thấy an toàn khi cung cấp các thông tin cá nhân. Bạn không nên đề nghị khách hàng cung cấp các thông tin quá cá nhân VD như: số CMND, mật khẩu ngân hàng, tình hình gia đình, niềm tin tôn giáo, chính trị … Những thông tin khách hàng mà bạn không kịp thu thập khi cung cấp sản phẩm / dịch vụ cho khách hàng trong lần tiếp xúc đầu tiên nên là: ngày tháng năm sinh của khách hàng, điện thoại, email, sở thích … Bạn nên lồng ghép vào trong bức thư những món quà tặng hấp dẫn, thiết thực VD như: tranh lá, tranh cát, tranh cánh bướm, tranh hạt gạo, tranh ghép vải, thuyền trong chai, tượng danh nhân … hoặc những lời tư vấn đem lại lợi ích nhất định giúp khách hàng giải quyết khó khăn, vướng mắc của mình … hoặc một đề nghị giảm giá, một dịch vụ ưu tiên cho lần tiếp theo khi sử dụng sản phẩm / dịch vụ của bạn, hay 1 bài báo họ ưa thích, 1 bó hoa, 1 bữa ăn tối thân mật …
T3: Nhờ khách hãng cũ giới thiệu khách hàng mới. Khách hàng hiện tại thường hiếm khi giới thiệu khách hàng mới cho doanh nghiệp nếu họ không được đề nghị làm điều này. Các nhân viên bán hàng thường tỏ ra e dè khi nhờ khách hàng hiện tại giới thiệu khách hàng mới, cứ chờ cho đến khi quan hệ với khách hàng hiện tại thật tốt mới dám ngỏ lời. Hãy nhớ rằng hoàn toàn có thể nhờ khách hàng hiện tại giới thiệu khách hàng mới khi họ đang ở trong trạng thái hưng phấn sau khi sử dụng sản phẩm / dịch vụ bạn cung cấp và cảm thấy hài lòng, thỏa mãn về những trải nghiệm mà họ có được. Những người bán hàng chuyên nghiệp luôn nhờ người khác giới thiệu khách hàng mới cho mình. Việc giới thiệu nhờ những mối quan hệ trong kinh doanh là một điều cực kỳ quý giá bởi vì đầu tiên bạn không mất nhiều thời gian để tìm kiếm khách hàng mới. Thứ hai, thông tin từ những lời giới thiệu có thể sẽ làm cho các khách hàng thường trả giá cao hơn khi sử dụng sản phẩm / dịch vụ bạn cung cấp so với phần lớn các khách hàng tiềm năng khác. Khi một khách hàng mới tin vào lời giới thiệu của bạn bè hoặc đồng nghiệp, họ sẽ thường cảm thấy thoải mái khi hợp tác với bạn hơn là với một người lạ. “ Một khách hàng tốt giới thiệu cho tôi vài người thì đa số họ sẽ trở thành khách hàng tốt. Bạn chỉ nên nhờ những khách hàng tốt giới thiệu sản phẩm và dịch vụ tới người khác ” – Pinny Cohen, nhà tư vấn kinh doanh và tiếp thị tại thành phố Fairlawn, bang New Jersey, Mỹ