Xin chào!
Nếu bạn mới biết đến Email Marketing, có thể bạn sẽ rất hào hứng và gửi hàng loạt email tới khách hàng. Nhưng nếu bạn vội vàng quá, bạn sẽ vô tình gửi email cho những người mà đã quên mất bạn là ai rồi, hay thậm chí bạn sẽ gửi email cho những người mà ngay từ đầu đã không muốn bạn gửi email tới. Có thể vô tình bạn gửi nhầm email hay sử dụng ngôn từ không được người đọc chấp nhận. Ngay cả các vấn đề như sử dụng địa chỉ email trả lời (Reply-To:) không chuyên nghiệp cũng có thể khiến bạn bị khách hàng cho vào danh sách gửi thư rác, chẳng hạn như bạn nhận được 1 email về đầu tư vàng từ langtudatinh@yahoo.com. Và tin tôi đi, chắc chắn bạn không muốn bị khách hàng cho mục thư rác hay vào danh sách đen, hay thậm chí bị kiện.
Vì vậy, trước khi bắt đầu chạy chiến dịch email marketing, mình nên kiểm tra lại các sai lầm phổ biến thường gặp phải đối với những người mới tiếp cận dịch vụ email marketing. Trong quá trình thực hiện, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào xin vui lòng liên hệ với hoangduongtr.com nhé.
Và bây giờ mình bắt đầu nhé.
1. Không được sự cho phép
Trước khi bạn có thể gửi bất kỳ nội dung email marketing nào, bạn phải được sự cho phép từ tất cả những người sẽ nhận được email của bạn. Nếu phản ứng đầu tiên của bạn với yêu cầu trên đây là, “nhưng nếu …… thì sao”, nếu vậy thì bạn nên dừng những gì bạn đang làm lại bởi vì có thể bạn chưa được sự cho phép của người nhận.
Sự cho phép nghĩa là người nhận đó yêu cầu email từ phía bạn. Trước khi đầu tư thời gian và tiền bạc vào một chương trình email marketing, hãy bắt đầu tìm kiếm sự cho phép từ khách hàng của mình. Việc này dễ hơn bạn nghĩ, và sẽ đảm bảo có ít khiếu nại thư rác hơn, hiệu quả thực hiện tốt hơn, quan trọng nhất là kết quả nhấp (Click Rate) vào và mở (Open Rate) ra sẽ tốt hơn.
Nếu không có sự cho phép của người nhận, email của bạn sẽ bị mark spam rất nhiều, khiến cho tên miền của bạn dễ bị vào danh sách đen, bạn sẽ nhận được nhiều email phản hồi “tha cho em, đừng spam em nữa”, chi phí Email Marketing sẽ tăng cao rất nhiều nhưng hiệu quả đem về cho doanh nghiệp sẽ rất thấp.
2. Nhầm lẫn email giao dịch với Email Marketing
Trong Internet Marketing, người ta chia ra giữa email giao dịch và Email Marketing, mặc dù email giao dịch là một phần chiến lược Email Marketing của công ty.
Bạn lấy danh sách email từ những người đã mua sản phẩm công ty của bạn? Những khách hàng này sẽ mong muốn nhận những email về thời gian nhận hàng, thông báo chuyển hàng hay thông báo khi có vấn đề phát sinh. Đó là các email giao dịch gửi riêng đến từng cá nhân và chúng khác với Email Marketing gửi email hàng loạt như bạn nghĩ.
Các email liên quan tới thư giới thiệu, phiếu giảm giá và chương trình khuyến mại mới được coi là Email Marketing hoặc email thương mại. Nếu bạn gửi Email Marketing cho một danh sách các khách hàng mà không được phép của họ, khi đó bạn đang gửi một email thương mại không mong muốn, hay còn gọi là thư rác.
3. Quá vội vàng
Một trong những sai lầm lớn nhất bạn có thể mắc phải là rơi vào thói quen “đáng lẽ mình phải chạy chiến dịch này ngày hôm qua!” Quá vội vàng và không suy nghĩ thấu đáo về thiết kế email, nội dung email và tiêu đề email sẽ tác động lớn đến tỷ lệ mở email và tỷ lệ bị đánh dấu spam của bạn. Bạn nên dành thời gian để chắc chắn rằng danh sách khách hàng của bạn đã được sàng lọc kỹ, đã được làm sạch và hoàn toàn được chấp nhận. Việc yêu cầu đội ngũ bán hàng cung cấp các danh sách email và gửi đi ngay lập tức đến những người này có thể được thực hiện nhanh chóng, nhưng nếu làm vậy sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề. Khách hàng có thể quên mất bạn là ai, có thể chưa bao giờ quan tâm, hay đơn giản là khách hàng đã không liên lạc với bạn trong một thời gian dài.
Vậy người nhận email sẽ làm gì? Họ sẽ bấm vào nút “đây là thư rác” trong chương trình email của họ (kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 10% – 30% người nhận đã làm điều này, ngay cả đối với các email mà chính họ yêu cầu, bởi vì họ cho rằng đó là cách hiệu quả để hủy email đó ra khỏi hộp thư Inbox của họ). Sau đó điều gì sẽ xảy ra? Các cảnh báo “đây là thư rác” đó sẽ được gửi đến dịch vụ email mà họ đang dùng, như Gmail hay Yahoo, và khi đó chính bản thân bạn sẽ bị chuyển vào danh sách đen vì đã gửi thư rác!
Bình tĩnh lại, chậm lại một chút, hít một hơi thật sâu vào, chắc chắn rằng danh sách của bạn phải được lọc thật kỹ, rửa thật sạch trước khi bạn chạy chiến dịch Email Marketing.
4. Bạn cứ nghĩ rằng ai cũng muốn nhận được email của bạn
Có phải tất cả mọi khách hàng trong danh sách của bạn đều cho phép bạn gửi email đến họ? Có phải tất cả những người đó đều quan tâm đến bạn? Nếu không phải như vậy, thì có thể bạn chỉ suy đoán rằng khách hàng muốn nhận được email của bạn. Điều có thể xảy ra là email của bạn sẽ khiến bạn bị báo cáo là một người gửi thư rác. Ngay cả khi bạn “đã mất rất nhiều thời gian để tổng hợp danh sách khách hàng tiềm năng đó”, ngay cả khi bạn “chi rất nhiều tiền để xây dựng danh sách khách hàng lựa chọn này”, ngay cả khi “danh sách này bao gồm những người trong nghề” và chắc chắn họ đã nghe về bạn. Nếu họ không yêu cầu bạn một cách rõ ràng là hãy gửi email cho họ, và bạn lại đưa họ vào danh sách email tiếp thị, thì nghĩa là bạn đang gửi thư rác. Và có vẻ như danh sách người nhận email đó nên được đổi tên là “Danh sách nạn nhân bị bom mail rác” thì đúng hơn…
Có thể bạn nghĩ “Nhưng tôi cũng nhận được email của rất nhiều người mà tôi chưa từng nghe đến, và tôi cũng hay đọc những email đó.” Bạn cần biết rằng điều này sẽ khác nếu ai đó gửi email trực tiếp cho bạn với giọng điệu bán hàng. Nhưng nếu cũng là người đó, tuy nhiên họ vượt quá giới hạn và “phát tán” giọng điệu bán hàng đến toàn bộ danh sách khách hàng, thì điều này nhanh chóng trở thành thư rác.
Vì vậy bạn không nên gửi email hàng loạt đến một danh sách mà người nhận chỉ là các liên hệ thông thường, và cũng không nên xây dựng một danh sách liên hệ chỉ để spam quảng cáo (một vài người trong số đó có thể là khách hàng tiềm năng, những người chưa từng nghe về bạn), và không bao giờ, chắc chắn là không bao giờ gửi email cho những danh sách được mua trên mạng về. Nếu bạn có một danh sách khách hàng, những người biết bạn, nhưng họ không rõ ràng có muốn nhận bản tin của bạn hay không, hãy gửi một email cá nhân và mời họ tham gia vào danh sách của bạn.
5. Bạn cho rằng mọi người biết bạn là ai
Chúng tôi đã từng thấy một số doanh nghiệp chịu đầu tư, thiết kế những mẫu đăng ký rất đẹp để khuyến khích khách hàng đăng ký, thông tin đó được thu thập cách đây khá lâu, nhưng đến bây giờ họ mới bắt đầu gửi email. Mặc dù họ đã làm đúng bài, nhất là xin phép tất cả khách hàng trước khi gửi email, nhưng những người nhận email dường như đã quên mất người gửi là ai. Vì vậy, khi họ nhận được một email giới thiệu hoàn hảo, họ cũng sẽ báo cáo người gửi vào mục thư rác.
Điều này xảy ra thường xuyên hơn bạn nghĩ. Nhiều chuyên gia email cũng đồng ý là sự cho phép của khách hàng sẽ không còn ý nghĩa gì chỉ sau sáu tháng. Nếu bạn không thường xuyên liên lạc với danh sách của mình, thì những liên hệ này đã quên bạn mất tiêu.
6. Mua danh sách email
Đến giờ thì vẫn còn rất nhiều người bỏ tiền ra mua email để chạy chiến dịch email marketing rồi sau đó phát hiện là không hiệu quả, điều này khá hiển nhiên.
Vẫn có một số nhà cung cấp dữ liệu, bán các danh sách “sẵn sàng nhận email quảng cáo”. Họ thu thập địa chỉ email và đề nghị các thành viên “muốn nhận được ưu đãi đặt biệt từ các bên thứ ba.” Sau đó, họ rao bán những danh sách này trên mạng. Điều này về cơ bản là không bất hợp pháp, nhưng rõ ràng là việc làm không khôn ngoan. Cách làm khôn ngoan hơn là giữ lấy danh sách email đó, sau đó thay mặt các bên thứ ba gửi các chương trình ưu đãi đặt biệt đến cho họ.
Trong bối cảnh hiện nay mà việc rao bán thông tin diễn ra hết sức phổ biến trên các trang web như 5giây, bạn nên cảnh giác với những người nào mà chỉ muốn bán cho bạn một danh sách email thật dài. Khả năng là bạn bị báo cáo là đang gửi thư rác khá cao.
7. Nghĩ theo chiều hướng “phát tán email” thay vì “xây dựng quan hệ”
Rất thường xuyên, mình nhận được yêu cầu là nhờ giúp họ “bắn” email đến cho mọi người. Thứ nhất, từ “bắn” chỉ nên dùng để nói đến tên lửa hay xe tăng. Mình không nên sử dụng từ này trong Email Marketing. Thứ hai, khi mình nói “bắn”, thì có vẻ như mình xem Email Marketing chỉ là một cách để phát tán ra hàng loại các email bất kể người nhận có muốn nghe hay không, có quan tâm hay không. Nhưng trên thực tế, email là phải được sự cho phép của khách hàng, gửi đến khách hàng những gì họ muốn đọc, và lắng nghe phản hồi của họ.
8. Viết email như một người rao bán đồ cũ
Bởi vì email là một kênh marketing mà chi phí thấp hơn nhiều so với các kênh truyền thống. Do đó, thường các doanh nghiệp nhỏ sẽ khai thác kênh này để đầy mạnh marketing. Nhưng thật không may, các doanh nghiệp nhỏ lại không phải là các chuyên gia viết lách. Thay vì nghĩa “Hmm, không biết công ty XYZ sẽ viết email này như thế nào nhỉ”, bạn nên dừng lại và tự hỏi, “Hmm, khách hàng của mình muốn có những thông tin gì từ mình nhỉ?”
Bạn không nên sử dụng một cách sao chép các câu hối thúc bán hàng như “NHANH TAY CÒN, CHẬM TAY HẾT!”, “MUA NGAY ĐIIIII !!!!”, hay “THỜI GIAN KHUYẾN MẠI KHÔNG CÒN NHIỀU!!!” trong email của mình. Những ngôn từ đó thật phản cảm, nhất là khi người nhận email là doanh nghiệp. Ngoài ra, bộ lọc thư rác sẽ trừng phạt bạn vì bạn sử dụng những ngôn từ mà bộ lọc coi là thư rác.
9. Chạy chiến dịch email marketing bằng địa chỉ email cá nhân.
Khi bạn mời khách đến văn phòng của mình, bạn muốn chổ đó là một tòa nhà văn phòng lớn, chuyên nghiệp hay chỉ là một phòng ngủ trong nhà bạn? Khi bạn đưa cho ai đó tấm danh thiếp của mình, bạn có muốn tấm danh thiếp phải được in trên giấy tốt và chuyên nghiệp, hay chỉ là một tờ giấy note viết bằng tay?
Tương tự với email marketing cũng vậy. Bạn không nên chạy một chiến dịch email lớn cho khách hàng của mình bằng cách sử dụng địa chỉ email cá nhân như “@yahoo.com” hay “@gmail.com”. Nếu có thể, bạn nên dùng địa chỉ email công ty như “hoangduongtr@guimailamazon.com” sẽ thích hợp hơn (làm ơn đừng bỏ email của mình vào danh sách bom email của bạn nha).
10. Bỏ qua báo cáo chiến dịch
Một trong những lợi ích của dịch vụ Email Markeing là bạn có thể đo lường kết quả sau mỗi chiến dịch email. Công cụ này vô cùng hữu ích. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy một số người chạy hàng chục hàng trăm chiến dịch nhưng chưa bao giờ kiểm tra báo cáo chiến dịch của họ. Họ không biết rằng tỷ lệ mở email của họ đã giảm từ 50% xuống chỉ còn thấp hơn 10%. Họ không biết rằng danh sách khách hàng của họ đang từng ngày giảm dần sau mỗi chiến dịch. Họ không biết rằng những khách hàng quan trọng đang sử dụng bộ lọc để từ chối email của họ dưới dạng thư rác.
Bạn nên kiểm tra số liệu thống kê email của mình sau mỗi chiến dịch. Bạn thử điều chỉnh chiến dịch xem bạn có thể cải thiện tỷ lệ mở email, tỷ lệ bấm vào email và quan trọng nhất là tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự. Kiểm tra lại xem ngày nào là ngày tốt nhất để gửi email? Thời gian nào là thời gian tốt nhất? Thử điều chỉnh nội dung email của bạn xem nó có ảnh hưởng như thế nào đến doanh số bán hàng? Hãy nhớ rằng: Luôn luôn kiểm tra.
Bạn nghĩ sao về bài viết này? Tại sao bạn không chia sẻ bài viết này đến bạn bè nhỉ?