Xin việc ở tuổi 40 vì ‘bỗng dưng mất ghế’

0
820

Cái ghế chị đã ngồi cả chục năm, tưởng là của chị, nay hoá ra không phải, người ta muốn lấy lại lúc nào cũng được. Thành ra, chị và cả trăm đồng nghiệp “bỗng dưng thất nghiệp”.

Chiều nay, trên đường đi về, tôi bất chợt gặp lại bà chị làm cùng cơ quan cũ đang băng ngang qua đường. Dừng chân bên phố, chị tâm sự. Chị vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn sáng suốt nhưng vì tuổi hưu nên chị phải rời ghế chánh văn phòng, dù có khối kẻ già hơn, bệnh hoạn hơn vẫn đang tại vị ở những vị trí cao hơn.

Cái ghế chị đã ngồi cả chục năm, tưởng là của chị, hoá ra không phải, người ta muốn lấy lại lúc nào cũng được. Bây giờ chị xin được một chân làm ở nhà hàng do người quen giới thiệu. Để có công việc đó, cách đây một năm, chị đi xin việc ở tuổi 60.

Một bà chị khác cũng ở cơ quan cũ (một cơ quan nhà nước khác) lên Facebook than vãn, chị cũng đang xin việc vì cơ quan chị giải thể. Cái ghế chị ngồi bấy lâu nay và hàng trăm cái ghế khác trong cơ quan đó, bỗng chốc bị lấy lại không thương tiếc. Chị và cả trăm đồng nghiệp “bỗng dưng thất nghiệp”. Chị bắt đầu đi xin việc ở tuổi 40. Nhiều người khác cùng cơ quan chị xin việc ở độ tuổi sắp về hưu.

Trước đó, một người quen của tôi, mấy chục năm công tác trong quân đội mang hàm trung tá cũng xuất ngũ. Anh đi xin việc ở tuổi trên 50 và bây giờ làm bảo vệ, giữ xe cho một quán cafe.

Tuổi già vẫn phải tất bật đi xin việc.

Đó là những người quanh tôi, tôi biết. Còn biết bao nhiêu người khác cũng lâm vào cảnh tương tự, nhưng không có thống kê. Đó là những người từng ngồi cao trong những cơ quan nhà nước, công ty, xí nghiệp… nhưng khi đến tuổi xế chiều lại phải vất vả đi xin việc, vì họ “bỗng dưng mất ghế”.

Cái ghế họ dày công gây dựng bao nhiêu năm bỗng chốc trở thành chiếc ghế của kẻ khác. Họ nghĩ ghế đó của họ nên họ ra sức bảo vệ, giữ gìn nhưng thực chất cái ghế đó do ông chủ cho họ ngồi nên bất cứ lúc nào ông chủ cũng có thể lấy lại cho kẻ khác ngồi.

Bấy lâu nay, họ nỗ lực làm vì họ nghĩ công việc đó là của họ nhưng họ quên công việc đó do ông chủ ban cho, nên ông chủ có quyền lấy việc đó lại bất cứ lúc nào, dù họ làm tốt đến mấy.

Trong cuộc chơi này, những người bạn, người chị của tôi thua trắng vì quyền quyết định nằm trong tay ông chủ. Kết cục thắng thua này đã được định trước, từ lúc họ nộp tờ giấy có tựa đề “Đơn xin việc” cho ông chủ. Ngay từ đầu, họ xin, ông chủ cho nên bây giờ ông chủ đòi, họ phải trả lại.

Còn biết bao nhiêu người bạn, người thân, sinh viên của tôi cũng tính toán sắp đặt cuộc đời theo cách đó, theo những giáo huấn được hấp thụ từ nhỏ: “Kiếm công việc ổn định mà làm”. Nhưng họ đâu biết rằng: “Những người giàu trên thế giới tìm kiếm và xây dựng hệ thống (Network), còn những người nghèo luôn tìm kiếm công việc (work)”.

Đó là đúc kết của triệu phú Robert Kiyosaki, một người Mỹ gốc Nhật từ hai bàn tay trắng đã được tự do tài chính năm 45 tuổi, nhờ xây dựng hệ thống tài sản, tạo thu nhập thụ động.

Câu nói của ông Kiyosaki giải thích tại sao trên đời này có người tự do tài chính tuổi 40, nhưng cũng có người đến 50 thậm chí 60 tuổi hoặc hơn vẫn phải đi xin việc.

Đó cũng là câu nói giúp tôi mạnh dạn tạo bước ngoặt mới cho cuộc đời của mình. Lúc đó tôi tự hỏi: “Tôi muốn tuổi 40 của tôi như thế nào?”

Còn bạn, người đang đọc bài viết này, bạn muốn tuổi 40 của bạn như thế nào?

Nguồn: vnexpress

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here